Hội thảo mô hình canh tác lúa bền vững
Ngày 08/5/2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND xã Ba Sao tổ chức Hội thảo để đánh giá kết quả thực hiện “Mô hình canh tác lúa bền vững” tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số 1 Ba Sao, huyện Cao Lãnh. Có hơn 200 đại biểu là cán bộ kỹ thuật và nông dân ở xã Mỹ Hội, Mỹ Thọ, Tân Hội Trung, Nhị Mỹ, Phương Trà, Phương Thịnh, Gáo Giồng, Phong Mỹ, Tân Nghĩa, Bình Hàng Trung, Ba Sao tham dự.
Mô hình được triển khai với tổng diện tích 320 ha, của 201 hộ, sử dụng giống lúa OM 18. Mô hình được thực hiện từ nguồn kinh phí thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp năm 2020 – 2022, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 03 lần tập huấn và 50% kinh phí mua giống, phân bón hữu cơ, 6 lần phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay, trồng hoa quanh bờ ruộng theo định mức hỗ trợ vật tư cho mô hình theo NQ 329/2020 của HĐND tỉnh, phần còn lại nông hộ đối ứng.
Các đại biểu tham quan thực tế ruộng lúa trong mô hình
Qua đánh giá tại Hội thảo cho thấy hiểu quả của mô hình so với ruộng đối chứng như: giảm được lượng giống gieo sạ; sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần giảm lượng phân bón vô cơ; nông dân đã nhận thức được đốt đồng có hại nhiều hơn lợi, việc tưới nước theo phương pháp ngập, khô xen kẽ góp phần giảm khí phát thải nhà kính, giúp bộ rễ cây lúa ăn sâu hơn, chống đỗ ngã và tăng hiệu suất hấp thu phân bón; mô hình trồng hoa trên bờ ruộng vừa tạo cảnh quan môi trường đẹp, vừa thu hút thiên địch đến quản lý tốt dịch hại, góp phần từ giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu. Ước năng suất thu hoạch của mô hình là 6,8 tấn/ha, mô hình liên kết tiệu thụ với giá 8.600 đồng/kg, cộng thêm từ tiền bán rơm, sau trừ đi chi phí nông dân còn lợi nhuận khoảng 35,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường gần 01 triệu đồng/ha.
Đến nay huyện Cao Lãnh đã và đang thực hiện 4 mô hình canh tác lúa bền vững tại xã Ba Sao, Gáo Giồng và Tân Hội Trung, với tổng diện tích 680 ha của 413 hộ. Mô hình nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, ứng dụng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn và bền vững.
Thành Sơn